"Sự phối hợp giữa ngành Giáo dục, Thể thao và phụ huynh sẽ góp phần phát triển bóng đá trong tương lai"
Vừa qua, phóng viên Bongda.com.vn đã có một cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Quốc Phúc về bóng đá học đường, được coi là cái nôi để phát triển bóng đá tương lai của Thành phố, thông qua cái nhìn toàn cảnh sau khi kết thúc giải bóng đá năng khiếu U10 TP.HCM năm 2019, cũng như những quan điểm trong việc phát triển bóng đá học đường trong tương lai.
Ông Nguyễn Quốc Phúc – Giám đốc Trung tâm TDTT Phú Nhuận, trao giải cho các cầu thủ nhí
tại giải bóng đá năng khiếu U10 TP.HCM năm 2019
Đứng dưới góc nhìn của một người hâm mộ bóng đá nước nhà nói chung và bóng đá TP.HCM nói riêng, nhóm phóng viên chúng tôi sau khi tác nghiệp tại giải bóng đá năng khiếu U10 TP.HCM đã quyết định tìm gặp một trong những vị thuyền trưởng của thể thao Phú Nhuận, người đã đóng góp cho phong trào bóng đá học đường – bóng đá trẻ của TP.HCM, ngày một phát triển và lan rộng đến các trường học tại TP.HCM trong những năm gần đây – ông Nguyễn Quốc Phúc – Giám đốc Trung tâm TDTT Phú Nhuận.
* PV: Với cương vị là đơn vị chủ nhà, BTC giải bóng đá năng khiếu U10 TP.HCM năm 2019, theo ông đánh giá trình độ chuyên môn, mặt bằng chung của giải năm nay so với giải năm ngoái như thế nào? Nhìn về thực trạng thể thao học đường nói chung và bóng đá quận Phú Nhuận nói riêng đã có những điểm nổi bật gì chưa?
- Ông Nguyễn Quốc Phúc: Đầu tiên đây là một giải đấu thường niên của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cùng với LĐBĐ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, một sân chơi bổ ích cho các em nhỏ U10, đây cũng là lứa tuổi thi đấu đầu tiên của các em trong hệ thống thi đấu năng khiếu từ U10 cho tới U14, nhằm tuyển chọn phát hiện các em có năng khiếu từ các Quận Huyện, là cơ sở để đánh giá cho công tác huấn luyện của các đơn vị.
Về phía giải năm nay tôi có những nhận xét sau đây: Thứ nhất theo tôi giải U10 năm nay được tổ chức với quy mô khá tốt. Thứ 2 đó là xuất hiện nhiều nhân tố mới, đây chính là điểm khác biệt so với những năm trước. Những năm trước, các quận như Phú Nhuận, quận 9, quận 11, Tân Phú khá mạnh, nhưng năm nay các bạn cũng thấy trận chung kết là sự tranh tài giữa Hóc Môn và quận 3, họ là những nhân tố mới mà tôi vừa đề cập, có thể nói hiện tại các quận huyện đều đầu tư cho bóng đá khá tốt, đồng đều chứ không tập trung chỉ vài quận huyện như trước đây, nguyên nhân xuất phát từ hiệu ứng của đội tuyển Quốc gia Việt Nam và huấn luyện viên Park Hang-seo. Đây là một hiệu ứng rất tốt cho phong trào bóng đá nước nhà.
Phút giây ông Ông Nguyễn Quốc Phúc (thứ hai từ phải sang) trao giải và chung vui cùng đội Hóc Môn nâng cao chiếc Cúp Vô địch
giải bóng đá năng khiếu U10 TP.HCM năm 2019
Về phía Phú Nhuận, bóng đá là một trong những môn chúng tôi đặc biệt đầu tư trọng điểm, thể thao có rất nhiều môn, tuy nhiên chúng tôi tập trung khoảng 8,9 môn trọng điểm. Qua bóng đá chúng tôi không chỉ tập trung ở lứa tuổi năng khiếu mà còn đầu tư vào phía trường học, hiện nay về phía trường học chúng tôi tập trung tại các trường tiểu học, đặc biệt là những trường gần sân bóng đá như trường Hồ Văn Huê, trường Cao Bá Quát, nổi bật trong số đó là trường Đặng Văn Ngữ vì vị trí nằm ở gần CLB Thể thao học đường, nhìn chung nền tảng bóng đá học sinh U10 của quận là khá tốt, hướng thể thao phong trào trường học trong địa bàn quận cũng phát triển rất tốt.
* Vậy theo ông để đầu tư phát triển bóng đá học đường đúng hướng cho tương lai thì chúng ta cần chú trọng vào vấn đề gì? Về cơ sở vật chất, con người hay huấn luyện viên như thế nào?
- Nói chung muốn thể thao học đường, bóng đá học đường phát triển thì theo tôi thứ nhất yếu tố Con người là quan trọng, thứ hai là phải có Cơ sở vật chất, thứ ba là sự phối hợp giữa Nhà trường và các đơn vị CLB thể thao, đặc biệt hơn là đối với Nhà trường.
Bởi vì bên thể thao chúng tôi có thể cung cấp đủ điều kiện, cơ sở vật chất tốt, nhân lực, huấn luyện viên chuyên môn tốt, nhưng ở đây nói về sự phối hợp giữa mình (bên thể thao) với Nhà trường không tốt thì cũng không thể nào làm được đối với thể thao học đường.
Giải U10 TP.HCM 2019 kết thúc với chức vô địch thuộc về U10 Hóc Môn
Yếu tố phối hợp giữa hai ngành, Giáo dục và Thể thao phải cùng liên kết chặt chẽ phối hợp lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau, nhìn chung thực trạng bây giờ các bạn cũng dễ dàng thấy được về phía gia đình, ba mẹ của các em học sinh, họ chú trọng nhiều cho con em tới lớp học hành, học thêm… Và để làm được điều này (phối hợp cho con em vừa học vừa chơi thể thao) chúng ta cũng cần thuyết phục cả gia đình nữa.
Tóm lại, theo tôi nghĩ nền tảng để đầu tư phát triển bóng đá học đường đúng hướng ngoài việc chúng ta cần phải có Cơ sở vật chất tốt, con người, huấn luyện viên tốt, vận động viên tốt thì chúng ta cần sự phối hợp giữa ngành Giáo dục, Thể thao và sự đồng thuận của phụ huynh để phát triển bóng đá trong tương lai.
Cám ơn những lời chia sẻ của ông.
Nguồn: bongda.com.vn
Bài viết: Phi Hóa - Hiếu Nghĩa – Nguyên Thảo
Ảnh: Văn Chất – Kim Ánh
- »»  ĐẠI HỘI ĐOÀN VIÊN CHI ĐOÀN TRUNG TÂM VĂN HOÁ - THỂ THAO QUẬN PHÚ NHUẬN LẦN THỨ I, NHIỆM KỲ 2024-2027
- »»  TDTT QUẬN PHÚ NHUẬN ĐẠT HẠNG NHẤT CỤM THI ĐUA SỐ 2 THÀNH PHỐ NĂM 2023
- »»  SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 3/2 VÀ LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI
- »»  Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Phú Nhuận tổ chức Hội nghị Viên chức – Người lao động năm 2024
- »»  CÔNG ĐOÀN TRUNG TÂM KHEN THƯỞNG CÁC CHÁU ĐẠT THÀNH TÍCH NĂM HỌC 2022-2023
- »»  Giải U12 năng khiếu TP HCM 2023: Phú Nhuận vô địch với nhiều kỷ lục
- »»  SÔI NỔI NHIỀU HOẠT ĐỘNG TDTT TRONG DỊP HÈ CHO THIẾU NHI