25-11-2024

Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 - 2019): Người Cộng sản mẫu mực của cách mạng Việt Nam

     Hơn 60 năm hoạt động, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo mẫu mực, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người chiến sĩ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chính là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tuỵ; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị.

 

 

Bác Hồ và Bác Tôn. Ảnh tư liệu

 

 

Bác Hồ - Bác Tôn: Hình ảnh tiêu biểu cho đoàn kết Bắc - Nam

     Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 tại Cù Lao Ông Hổ, tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang). Năm 1910, sau khi tốt nghiệp Trường Bách nghệ Sài Gòn với điểm tối ưu (20/20), người thanh niên Tôn Đức Thắng gia nhập hàng ngũ giai cấp công nhân Việt Nam và làm việc tại xưởng sửa chữa tàu thủy Ba Son của thực dân Pháp tại Sài Gòn. Năm 1912, 24 tuổi, Bác Tôn đã tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son, mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao nhưng cũng rất vinh quang của mình. Bị thực dân Pháp lùng bắt, cuối năm 1912, Bác lánh sang Pháp và làm thủy thủ trên các tàu viễn dương. Năm 1919, Bác đã tham gia cuộc binh biến của hải quân Pháp ở Hắc Hải chống cuộc chiến can thiệp của đề quốc Pháp tại Biển Đen, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, góp phần bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

     Trở về nước năm 1920, với lòng yêu nước nhiệt thành, Bác Tôn đã kết hợp kinh nghiệm hoạt động của phong trào công nhân, công đoàn Pháp với phong trào yêu nước, phong trào công nhân Việt Nam, tập hợp anh em công nhân cùng chí hướng thành lập Công hội bí mật - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam (tiền thân của Công đoàn Việt Nam). Công hội do Bác lãnh đạo đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình, bãi công, lãn công, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son vào tháng 8/1925, đánh dấu bước phát triển mới về tinh thần đoàn kết và tính tổ chức của giai cấp công nhân nước ta.

     Năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, bắt đầu hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Nam bộ. Bác Tôn Đức Thắng gia nhập tổ chức này và giữ trọng trách Ủy viên Kỳ bộ Nam Bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn. Dưới sự lãnh đạo của Bác Tôn, phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn phát triển mạnh mẽ.

     Năm 1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt và kết án 20 năm tù khổ sai. Gần 17 năm bị giam cầm trong nhà tù thực dân ở Khám Lớn Sài Gòn và Côn Đảo, phải chịu cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, Bác Tôn luôn giữ vững khí tiết kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, là một trong những người thành lập Hội những người tù đỏ và sáng lập chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo, làm hạt nhân lãnh đạo, tạo sức mạnh chống chế độ lao tù tàn bạo, đấu tranh bảo vệ Đảng, biến lao tù thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản. Lúc này, Chi bộ cộng sản ở Nhà tù Côn Đảo được công nhận làm một chi bộ đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam kỳ, Bác Tôn được cử làm Bí thư chi bộ.

     Cách mạng Tháng Tám thành công, từ nhà tù Côn Đảo, Bác Tôn trở về đất liền, tham gia ngay vào cuộc chiến đấu mới chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 25/10/1945, Xứ ủy Nam bộ triệu tập Hội nghị cán bộ toàn Xứ lần thứ 2, họp tại Thiên Hộ (Mỹ Tho). Đây là Hội nghị lớn nhất của Xứ ủy Nam kỳ để bàn thảo về vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ với lực lượng vũ trang, đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trên chiến trường Nam bộ. Tại Hội nghị này, đồng chí Tôn Đức Thắng khiêm tốn xin từ chức Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và đề cử đồng chí Lê Duẩn đảm nhiệm chức Bí thư Xứ ủy. Hội nghị cũng đã thống nhất cao và phân công Bác Tôn phụ trách Ủy ban kháng chiến và trực tiếp chỉ đạo lực lượng vũ trang.

     Giữa năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đón Bác Tôn Đức Thắng ra Hà Nội. Từ đó, Bác Tôn và Bác Hồ luôn luôn sát cánh bên nhau. Bác Tôn hơn Bác Hồ hai tuổi, nhưng vẫn gọi Bác Hồ là Bác. Còn Bác Hồ thì vẫn gọi người chiến hữu gần gũi với mình là Bác Tôn. Họ đã coi nhau như những người bạn khi cả hai còn chưa gặp nhau. Trong suốt những năm tháng sau đó, Bác Tôn luôn coi Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, còn Bác Hồ trân trọng Bác Tôn như một người đồng chí, một người bạn chiến đấu thân thiết, thủy chung. Chẳng dễ để lý giải cho duyên cớ nào đã làm nên tình bạn hiếm có ấy: Một sự nghiệp cách mạng cùng chí hướng, những tình cảm đặc biệt tự thân và chắc chắn rằng sự tâm đầu ý hợp ấy đến cả những tương đồng trong quan niệm sống: hết lòng hết sức tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, không đòi hỏi, không màng tới danh lợi cho bản thân, bình dị và mẫu mực hết sức. Hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn cũng chính là hình ảnh tiêu biểu cho đoàn kết Bắc - Nam.

     Người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết dân tộc

     Tháng 2/1951 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra tại Tuyên Quang, Bác Tôn được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, với tư cách là đại biểu chính thức của Đại hội, Bác đã có những đóng góp quan trọng vào việc xác định vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Được Đoàn Chủ tịch Đại hội phân công chuẩn bị và đọc diễn văn bế mạc Đại hội, Bác nhấn mạnh: "Chính sách Mặt trận của chúng ta là chính sách liên minh giai cấp để kháng chiến. Không phải liên minh giai cấp suông, mà liên minh giai cấp để kháng chiến. Đã là liên minh giai cấp để kháng chiến thì những mâu thuẫn quyền lợi giữa giai cấp phải được điều giải hợp lý. Nhưng bao giờ chúng ta cũng đặc biệt chú trọng đến quyền lợi của quần chúng cần lao và đông đảo, vì họ là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất và là lực lượng chủ yếu của kháng chiến”. 

 

 

Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc. Ảnh tư liệu

 

     Tháng 9/1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất đã khai mạc tại Hà Nội và quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Đại hội này, Bác Tôn kêu gọi đồng bào cả nước: “Chúng ta cùng chung một Tổ quốc, cùng có chung hàng nghìn năm lịch sử, đau khổ có nhau, vinh quang có nhau. Điều đó đã gắn liền đồng bào toàn quốc, gắn liền đại biểu chúng ta làm một khối”. Bác đã động viên cả nước ra sức thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”.

     Với những công lao to lớn của Bác Tôn trong cách mạng và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, tháng 8/1958 nhân dịp tròn 70 tuổi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định tặng Bác Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương cho Bác và phát biểu: “Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng là huân chương cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng huân chương ấy”. 

     Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tại kỳ họp đặc biệt Quốc hội (khóa III) ngày 15/9/1969, Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, đồng thời vẫn kiêm làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để cùng các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận lãnh đạo, tổ chức động viên nhân dân ta kiên cường chiến đấu, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến toàn thắng, thống nhất nước nhà.

Có thể nói,dù ở cương vị nào Bác Tôn vẫnluôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp các lực lượng yêu nước, khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là “đại thụ” trong rừng cây đại đoàn kết toàn dân tộc, tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

     Nói về Bác Tôn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết: “Bác Tôn là con người vô cùng giản dị, vẫn là người công nhân, vẫn giữ cái búa, cái kìm... và tự chữa lấy xe đạp của Bác. Bác Tôn của chúng ta là một con người như thế, một người công nhân tiêu biểu cho tinh thần cách mạng, đạo đức cách mạng cao quý nhất của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, của Đảng chúng ta, của dân tộc Việt Nam chúng ta”.

     Với 92 tuổi đời, gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 10 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Tôn là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước; sự trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng; tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản, đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người”.

 

  Nguồn : Cờ đỏ thành phố Hồ Chí Minh