06-07-2024

MỘT NGÀY VỀ VỚI KHU DI TÍCH CHIẾN KHU Đ

     Chào mừng kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019), Chi bộ và Công đoàn cơ sở Trung tâm TDTT quận Phú Nhuận đã tổ chức chương trình về nguồn thăm Khu ủy Miền đông Nam bộ (Chiến khu Đ) tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tham gia đoàn gồm có đ/c Nguyễn Quốc Phúc – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm TDTT; đ/c Nguyễn Vạn – Phó Giám đốc, đ/c Nguyễn Kim Sơn – Phó Chủ tịch CĐCS và đ/c Trần Phi Hóa – Bí thư Chi đoàn cùng 19 đ/c là bộ đội, dân quân xuất ngũ đang công tác tại Trung tâm TDTT quận.

     Từ TP.HCM xe ô tô đưa chúng tôi tới ngã ba Trị An thì rẽ trái vào con đường đất đỏ 322 và từ đây ô tô vượt hơn 30km đường rừng nữa mới đến khu di tích chiến khu Đ. Dọc hai bên đường bạt ngàn rừng xanh núi thẳm với những cây sao, dầu đặc trưng của rừng miền Đông Nam bộ. Đi sâu thêm chừng 3km là địa phận của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nằm trên diện tích 97.152ha (gồm hồ Trị An, rừng miền Đông Nam bộ của 9 tỉnh lân cận và khu di tích chiến khu Đ). Khu căn cứ chiến khu Đ có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận: Địa đạo Suối Linh, Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông Nam bộ, có diện tích 39,8ha trải dài từ địa phận huyện Tân Uyên (Bình Dương) và các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

 

 

 

 

Nhà tưởng niệm khu di tích Chiến khu Đ

 

     Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng căn cứ chiến khu Đ là nơi thành lập đầu tiên của các đơn vị vũ trang miền Đông và chủ lực miền, nơi đứng chân của Khu ủy miền Đông và đặc biệt là nơi thành lập đầu tiên của Trung ương Cục miền Nam vào năm 1961. Năm 1962, Trung ương Cục miền Nam chuyển về Tây Ninh. Trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, từ Chiến khu Đ lực lượng cách mạng tổ chức nhiều trận tấn công vào kẻ thù giành chiến thắng vang dội. Kẻ thù luôn tìm mọi cách đánh phá nhưng thất bại. Ngô Đình Diệm và các tướng tá ngụy quyền Sài Gòn từng chua xót nhận định: Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”. Giai đoạn năm 1962 - 1967, Chiến khu D trở thành căn cứ khá vững chắc đã dốc sức cùng toàn miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của nhân dân ta Tết Mậu Thân (1968), cũng như sau này vùng lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975).

     Tại nhà tưởng niệm, trước khoảnh sân đặt chiếc lư hương lớn nghi ngút khói nhang, trong ngôi nhà đặt hai dãy tượng ghi tên 14 cán bộ đã từng sống và lãnh đạo phong trào cách mạng của Khu ủy miền Đông, Trung ương Cục miền Nam chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; trong đó nhiều người đã hy sinh tại chiến khu Đ và chiến trường miền Đông. Hướng dẫn và giới thiệu từng điểm trong khu di tích là nữ hướng dẫn viên trong chiếc áo bà ba, đội mũ tai bèo, cổ quấn khăn rằn thể hiện hình ảnh nữ du kích miền Nam khi xưa. Men theo những con đường đất đỏ, núp dưới những tán cây rừng cao vút giữa đại ngàn trong khu rừng rộng chừng 10ha là những ngôi nhà cột gỗ, mái được lợp bằng lá trung quân (loại lá cây rất đặc biệt khó bắt lửa và không cháy lan) nhằm chống lửa của bom Napan, pháo kích. Nối giữa các ngôi nhà bằng hệ thống giao thông hào sâu dưới lòng đất. Trong khu di tích hiện đang lưu giữ, tôn tạo 19 căn nhà và tái hiện 24 hình tượng người, phân bổ thành 4 ban (văn phòng làm việc của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy miền Đông, Ban Cơ yếu, Ban Quản trị - Hành chính và Ban Vệ binh Khu ủy).

 

 

 

 

 

Hội trường khu ủy Miền đông Nam bộ

 

 

Hệ thống giao thông hào

 

 

 

 

Mái lá trung quân (Ảnh sưu tầm)

 

  

     Tất cả, những hình ảnh ấy cứ đập vào tâm khảm chúng tôi một thứ cảm xúc rất mãnh liệt, giữa không gian yên ắng, tiếng cô hướng dẫn viên tại khu nhà y tế giới thiệu cho đoàn công tác việc chăm sóc sức khỏe của bộ đội rồi đọc những câu thơ của tướng Huỳnh Văn Nghệ viết về một anh bộ đội bị thương phải cưa chân bằng cưa thợ mộc: “…Bác sĩ cưa chân một thương binh bằng cưa thợ mộc/ Bác sĩ vừa cưa vừa khóc/ Chị cứu thương nước mắt tràn trề/ Người chiến sĩ vẫn mê mải hát/ Cưa cứ cưa, xương cứ đứt/ Máu cứ rơi những giọt đỏ hồng…”. Trong đoàn chúng tôi có người không cầm nước mắt! 

 

 

Khu nhà y tế nơi đ/c Trần Thị Trung Chiến - Nguyên Bộ trưởng y tế làm việc.

Nơi đây đã cứu và trị thương cho nhiều thương binh trong thời kỳ chiến tranh

 

     Sau đó đoàn di chuyển về khu du lịch sinh thái Đảo Ó – Đồng Trường, là hai hòn đảo nằm tách biệt trong lòng hồ Trị An với diện tích 24ha. Trước đây là nơi trú ẩn và sinh sản của loài chim ưng. Đảo ó như viên ngọc bích giữa lòng hồ Trị An, tuy nằm cạnh các Thành phố công nghiệp lớn của nước ta nhưng mà vẫn còn giữ được những cảnh vật hoang sơ, thơ mộng mang nét hoang dại của núi rừng phương Nam.

     Chiều cùng ngày, chuyến hành trình về nguồn được khép lại trong niềm hân hoan phấn khởi của toàn thể thành viên trong đoàn. Tuy thời gian không nhiều nhưng chuyến về nguồn thăm lại di tích chiến khu Đ đã giúp cho chúng tôi hiểu rõ hơn về cuộc sống đầy khó khăn gian khổ, trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của các bậc tiền nhân đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chuyến đi đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp và chúng tôi tự hào không gì có thể khuất phục được tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam.

 

PHƯỚC HÙNG