24-11-2024

Kỷ niệm 74 năm ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 – 27/3/2020)

     “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh. “Ngày Thể thao Việt Nam” bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử buổi ban đầu của nền TDTT cách mạng. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bác cũng là người khai sinh nền TDTT của chế độ mới. Ngày 30-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể thao TW có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.

     Gần hai tháng sau, căn cứ theo quyết định của Quốc dân đại hội VN (Quốc hội khoá 1) họp ngày 2-3-1946 định sự tổ chức của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên TW và Phòng Thể dục TW. Trên thực tế, với những quy định của Bộ Quốc Gia giáo dục, Phòng Thể dục TW đảm nhiệm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Nha Thể dục TW cũ. 

     Cũng trong ngày 27-3-1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khoẻ và nhiều tờ báo khác đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”. Cuối tháng 3 năm 1946, Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”. “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” Người viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập”.

     Lời kêu gọi của Bác Hồ với ý tưởng cao đẹp có ảnh hưởng sâu sắc với tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân và mọi người hăng hái làm theo tiếng gọi của vị lãnh tụ kính yêu. Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27-3-1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào Khỏe vì nước sôi nổi. Phong trào Khỏe vì nước thực chất là bước đầu của nền Thể dục Thể thao mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển. 

 

 

 

 

Bác Hồ tập thể thao (Ảnh tư liệu)

  

     Với những việc làm như: Ra Sắc lệnh thành lập ngành Thể dục Thể thao, viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, đích thân phát động phong trào Khỏe vì nước phát triển sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền Thể dục Thể thao mới của nước Việt Nam mới. Với các tên: Nha Thể thao Trung ương thuộc Bộ Thanh niên rồi đến Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục (1946) và sau này là Ban Thể dục thể thao Trung ương (1957), đổi thành Ủy ban Thể dục Thể thao (1960), Ủy ban Thể dục thể thao đã giữ được vị trí Thể dục Thể thao trong xã hội và trong các giai đoạn cách mạng khác nhau. Lãnh đạo các phong trào thể thao trong nước và quốc tế.

     Kể từ khi thành lập đến nay, ngành TDTT Việt Nam đã nhận được rất nhiều thư của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Thư của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, thư của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, thư của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thư của Thủ tướng Phan Văn Khải và gần đây nhất là thư chúc mừng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc... gửi cho cán bộ, viên chức, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài ngành TDTT. Đó chính là sự quan tâm của Đảng và Chính phủ và là nguồn lực làm cho ngành TDTT Việt Nam ngày càng phát triển. Với những ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 27-3 được Nhà nước ta lấy làm “Ngày Thể thao Việt Nam” hàng năm.

 

 

 

 

Thể thao Việt Nam đang ngày càng phát triển

 

      Nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thể thao Việt Nam; Chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và đại hội đảng bộ phường 4 nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngày 22/3/2020, Trung tâm TDTT quận Phú Nhuận đã trao tặng 05 bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời tại khu phố 2 phường 4. Với mục đích đưa thể thao đến với người dân quận Phú Nhuận, từ năm 2009 đến nay, Trung tâm TDTT đã thường xuyên phối hợp cùng UBND 15 phường tiến hành khảo sát và lắp đặt các bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời tại các địa điểm là nơi sinh hoạt cộng đồng, công viên, bãi đất trống (từng là nơi tập kết rác thải) … tính đến nay Trung tâm đã lắp đặt được 19 địa điểm tập luyện TDTT ngoài trời tại 12 phường. Tất cả các địa điểm lắp đặt này đều nhận được sự ủng hộ từ người dân địa phương.

 

 

 

 

Niềm vui và sự phấn khởi của người dân khi có thêm một địa điểm tập luyện TDTT ngoài trời tại Khu phố

 

PHI HÓA

Tham khảo bài viết lịch sử ngày Thể thao Việt Nam tại: https://www.doisongphapluat.com