Niềm vui của các judoka khiếm thị TP Hồ Chí Minh
Giải Judo Quốc tế Việt Nam 2015 diễn ra khá sôi nổi. Tuy nhiên, giải đấu đã trở nên ý nghĩa hơn với sự tham gia của các vận động viên khiếm thị nhằm giao lưu, cọ xát, cũng như góp phần giúp cho các em tự tin hơn trong quá trình tập luyện môn thể thao này.
Không phải đến bây giờ các vận động viên khuyết tật mới được tham gia giải đấu lớn như vậy. Còn nhớ, tháng 4 vừa qua, Giải Judo TP. HCM cũng đã diễn ra với sự tham dự đông đảo của các judoka khiếm thị đến từ nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố.
Trong hơn một thập niên trở lại đây, Thể thao TP. HCM đã quan tâm, hỗ trợ, đồng thời luôn theo sát các môn thể thao dành cho người khuyết tật, đặc biệt là Judo cho người khiếm thị, giúp cho phong trào nhanh chóng phát triển.
Judo được xem là môn thể thao phù hợp với người Việt Nam bởi tính khéo léo, nhanh nhẹn và dẻo dai. Tuy nhiên, điều này là không hề dễ với phần lớn những người khiếm thị. Những kiến thức mà các vận động viên khiếm thị được tiếp thu hầu hết đều được nhận qua thính giác. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các huấn luyện viên cũng như các vận động viên. Tuy nhiên, các vận động viên khiếm thị vẫn cho thấy mình luôn đam mê và theo đuổi môn thể thao này.
Từ sự nỗ lực và quyết tâm, em Nguyễn Văn Duy ( 17 tuổi) đã vượt qua những rào cản để theo học Judo đã được 4 năm: “Đây là môn thể thao phù hợp với em bởi em có thể dễ dàng rèn luyện thêm sức khỏe, đấu óc được thư giản sau thời gian học. Ngoài ra, tham gia Judo em còn được giao lưu và quen biết nhiều bạn thay vì chỉ thường xuyên ở nhà và học hành cũng rất thụ động như trước kia”.
Duy cho biết em không đặt nặng việc đạt huy chương ở giải đấu này. Nhưng em rất vui mừng khi khoe với chúng tôi: “Vừa rồi em thắng hai trận và thua một trận”. Niềm vui lộ rõ trên mặt em cùng nụ cười hiền hậu khiến chúng tôi cũng vui lây.
Cùng với Duy, tham dự giải lần này có vận động viên khiếm thị Trần Thị Mộng Tuyền. Cô cho biết đã có lúc bị chấn thương và khó khăn tưởng chừng như em gần như đã bỏ cuộc. Tuy nhiên nhờ gia đình và bạn bè động viên, em đã tiếp tục theo đuổi môn thể thao mà mình yêu thích này. “Những ngày đầu tập luyện, chấn thương khiến em rất đau. Khó khăn là rất nhiều bởi vì em không thể nhìn thấy được như các bạn. Nhưng may thay các thầy cô và bạn bè đã giúp em vượt qua”. Mộng Tuyền còn cho biết thêm, ngoài Judo em còn thi đấu tốt môn Aikido bởi đó là hai môn thể thao mang lại cho em tinh thần thoải mái và có sức khỏe.
Đấy chỉ là hai trong số rất nhiều minh chứng cho thấy Judo khiếm thị TP. HCM đang phát triển và mang đầy tính nhân văn. Từ sự quan tâm và nỗ lực của rất nhiều người gây dựng phong trào, giờ đây Judo khiếm thị TP HCM đã gặt hái được những kết quả đầu tiên. Hàng năm, ngành TDTT TP. HCM vẫn duy trì tổ chức nhiều giải đấu để người khiếm thị có cơ hội giao lưu, cọ xát, học tập lẫn nhau, qua đó giúp các em có động lực hơn trong cuộc sống đồng thời phát hiện những vận động viên chất lượng để góp mặt ở các giải quốc tế.
Nguồn: Báo Thể thao TP. Hồ Chí Minh
- »»  ĐẠI HỘI ĐOÀN VIÊN CHI ĐOÀN TRUNG TÂM VĂN HOÁ - THỂ THAO QUẬN PHÚ NHUẬN LẦN THỨ I, NHIỆM KỲ 2024-2027
- »»  TDTT QUẬN PHÚ NHUẬN ĐẠT HẠNG NHẤT CỤM THI ĐUA SỐ 2 THÀNH PHỐ NĂM 2023
- »»  SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 3/2 VÀ LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI
- »»  Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Phú Nhuận tổ chức Hội nghị Viên chức – Người lao động năm 2024
- »»  CÔNG ĐOÀN TRUNG TÂM KHEN THƯỞNG CÁC CHÁU ĐẠT THÀNH TÍCH NĂM HỌC 2022-2023
- »»  Giải U12 năng khiếu TP HCM 2023: Phú Nhuận vô địch với nhiều kỷ lục
- »»  SÔI NỔI NHIỀU HOẠT ĐỘNG TDTT TRONG DỊP HÈ CHO THIẾU NHI